Những tiếng kêu ai oán dưới tán rừng:  Bài 2: Huyện Trùng Khánh, 873 sổ đỏ cấp sai, trách nhiệm thuộc về ai?

Huyện Trùng Khánh có 873 giấy CNQSDĐ bị thu hồi, riêng xã Quang Trung phải thu hồi 37 giấy CNQSDĐ cấp sai. Theo Điều 206- 207, Luật đất đai 2013, xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy CNQSDĐ trái pháp luật gây ra lãng phí, thất thoát ngân sách, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Phán quyết thiếu khách quan và công tâm?

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, năm 2002, gia đình ông Hoàng Văn Hữu đã được UBND huyện Trà Lĩnh giao quản lý 50.000m2 rừng và đất lâm nghiệp theo quyết định số 772 và 790. Đến năm 2008, gia đình ông Hoàng Văn Hữu đã được UBND huyện Trà lĩnh cấp 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số AG946747; số AG946746; số AG946791. Tuy nhiên, ngày 17/7/2020, UBND huyện Trùng Khánh (ngày 1/3/2020 huyện Trà Lĩnh giải thể, phần lớn địa bàn sáp nhập vào huyện Trùng Khánh), đã ra quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ số AG946747 với lý do cấp không đúng đối tượng và không có giá trị pháp lý theo quy định của Luật Đất đai.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã Quang Trung. Tại buổi làm việc, ông Nông Văn Định cán bộ địa chính xã Quang Trung cho biết, gia đình chị Hoàng Thị Như và bà Hà Thị Duyên đang tranh chấp tại thửa đất số 256 hiện đã cấp cho ông Nông Hà Quế. “Căn cứ vào “Giấy chuyển nhượng đất đai và hoa màu” mà bên bán cung cấp nên chính quyền đã có văn bản không chấp nhận khiếu kiện của gia đình bà Hoàng Thị Như”, ông Nông Văn Định khẳng định.

Giấy mua bán

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ giấy tờ mua bán giữa 2 bên, phóng viên nhận thấy ngoài phần chính thì tại phần ghi chú trong “Giấy chuyển nhượng đất đai và hoa màu” đề ngày 27/11/1998 âm lịch, tại giấy của bên bán có ghi rõ, phần mộ và khu nhà xây giao cho ông Nông Văn Mộc và ông Nông Văn Lâm quản lý. Rừng Pò Khoang và toàn bộ cây cối, phần đất nhà ông Nông Văn Sướng giao cho ông Hoàng Văn Hữu quản lý. Điều này có nghĩa, theo ghi chú, bên mua không được sở hữu phần mộ và khu nhà xây, còn lại đều thuộc quyền sở hữu của bên mua.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Tranh Tụng, Công Ty Luật TNHH TGS, năm 1992, gia đình ông Hoàng Văn Hữu nhận chuyển nhượng của ông Nông Văn Mộc, Nông Văn Lâm, Nông Văn Sướng, việc mua bán đã có Giấy chuyển nhượng và có sự chứng kiến của người có thẩm quyền. Do vậy, việc bà Ngô Thị Tiên (vợ ông Nông Văn Mộc) lại tiếp tục chuyển nhượng cho người khác là không hợp pháp, trừ trường hợp bà Ngô Thị Tiên chuyển nhượng phần diện tích mà ông Nông Văn Mộc, Nông Văn Lâm, Nông Văn Sướng chừa lại theo phần ghi chú trong Giấy chuyển nhượng đất đai và hoa màu ngày 09/8/1992. Điều này cần các cơ quan xác minh một cách khách quan và công tâm về quá trình biến động đất đai của thửa đất nêu trên.

Để có câu trả lời rõ hơn, phóng viên đã làm việc với UBND huyện Trùng Khánh. Ông Đàm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Trùng Khánh cho biết, vị trí thửa đất đang xảy ra tranh chấp thuộc thửa đất số 256, tờ bản đồ số 1 bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã Quang Trung. Thửa đất số 256 này đã được UBND huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng cấp giấy CNQSDĐ số AG 946782 cho hộ ông Nông Hà Quế và bà Triệu Thị Bào. Cũng theo ông Trường, lý do thu hồi giấy CNQSDĐ của hộ ông Hoàng Văn Hữu là để khắc phục việc trước đây cấp không đúng vị trí, không đúng đối tượng và sẽ cấp lại sổ mới cho gia đình ông Hữu sau khi hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ theo đúng quy định.

Quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ.

Lý giải về việc ra quyết định thu hồi từ 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa cấp lại sổ cho người dân, ông Trường cho rằng, “sau 2 năm thu hồi những vẫn chưa cấp lại sổ cho hộ ông Hữu là do thiếu kinh phí đo vẽ bản đồ nên mới xảy ra chậm trễ”, ông Trường nói.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trả lời câu hỏi, phía chính quyền đưa ra kết luận gia đình ông Hoàng Văn Hữu không được sử dụng mảnh đất trên là đúng hay sai, dựa trên căn cứ nào? Luật sư Nguyễn Đức Hùng khẳng định, việc cơ quan chức năng kết luận gia đình ông Hoàng Văn Hữu không được sử dụng cả mảnh đất trên là sai, bởi theo Giấy chuyển nhượng đất đai và hoa màu ngày 09/8/1992 thì gia đình ông Hoàng Văn Hữu chỉ không được sử dụng phần diện tích đã ghi chú trên, chứ không phải là toàn bộ thửa đất. Việc chuyển nhượng đất cho gia đình ông Hoàng Văn Hữu đã được ông Nông Văn Mộc, Nông Văn Lâm, Nông Văn Sướng đồng ý chuyển nhượng, có sự chứng kiến và xác minh của ông Trưởng xóm Tô Quang Nhật và Trưởng làng là ông Hà Huy Hương. Như vậy, nếu không có căn cứ chứng minh việc mua bán giữa hai bên là không hợp pháp thì kết luận trên của cơ quan chức năng là sai sót, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Điều ngạc nhiên là trong quá trình thụ lý đơn thư của gia đình chị Hoàng Thị Như thì ngày 29/5/2009, UBND tỉnh Cao Bằng lại ra quyết định thu hồi 01 ha đất rừng đồi có địa danh Co Pùng đã giao cho gia đình chị Như quản lý. Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đàm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Trùng Khánh cho biết, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định thu hồi 01 ha đất rừng đồi có địa danh Co Pùng của gia đình chị Như, tuy nhiên, hiện không biết diện tích đất này nằm ở đâu, không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi nên huyện không thể tiến hành thu hồi được. Như vậy, việc thu hồi 01ha đất đồi rừng nhưng không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi có phải là sự quan liêu, tắc trách của chính quyền địa phương hay không, là câu hỏi đang được dư luận đặt ra.

Trả lời câu hỏi, “thu hồi 01ha đất đồi rừng nhưng không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi có phải là việc làm quan liêu, tắc trách của chính quyền hay không?”, Luật sư Nguyễn Đức Hùng phân tích, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 việc thu hồi đất được thực hiện theo một quy trình như sau: “Thông báo thu hồi đất; Ra quyết định thu hồi đất; Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất: Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

“Việc không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi là do chính quyền đã không tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc. Điều này thể hiện chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật”, Luật sư Nguyễn Đức Hùng nói.

Giải quyết khiếu nại lại ra quyết định thu hồi 01 ha đất rừng đồi có địa danh Co Pùng của UBND tỉnh Cao Bằng.

Ngoài ra, tại Điều 206- 207, Luật Đất đai 2013, xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì các hình thức xử lý sai phạm được quy định rõ: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại. Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Với cách làm việc quan liêu, tắc trách như vậy đã dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình cấp sổ. Cụ thể, theo thông tin do ông Đàm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Trùng Khánh cung cấp, hiện cả huyện Trùng Khánh có 873 GCNQSDĐ bị thu hồi. Riêng UBND xã Quang Trung phải thu hồi 37 GCNQSDĐ cấp sai.

Như vậy, việc gây lãng phí và thất thoát do cấp sai số lượng lớn GCNQSDĐ, nhưng tại sao đến nay Sở Tài nguyên và môi trường, UBND huyện Trùng Khánh vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm với sai phạm này là câu hỏi đang cần UBND tỉnh Cao Bằng trả lời.

 

 

         

 

Bình luận

    Chưa có bình luận